Áo dài Nam xưa - Giới thiệu về áo dài truyền thống thời xưa
Áo dài truyền thống thời xưa của người Việt Nam rất đa dạng về thiết kế cũng như chất liệu vải vì vậy mà được nhiều người quan tâm. Sức hút của các trang phục truyền thống ngày càng được nhiều bạn trẻ biết đến. Vì vậy mà Ỷ Vân Hiên đã tạo dựng nên để phục dựng lại những nét đẹp cổ xưa của nước ta. Để không bị mai một đi theo thời gian.
1. Tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của áo dài năm thân cổ đứng truyền thống thời xưa năm thân cổ đứng khuy cài
Trong suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua các triều đại khác nhau, người Việt đã tạo được những dấu ấn, bản sắc riêng về mọi mặt trong đời sống xã hội. Và trang phục là một trong số những tinh hoa không thể không nhắc đến.
Theo những ghi chép còn sót lại, chiếc áo dài năm thân cổ đứng khuy cài xuất hiện vào năm 1744 dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong. Giữa bối cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh (khoảng thế kỷ XVII, XVIII), vì muốn xây dựng một chính quyền độc lập với chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài nên Chúa Nguyễn đã tiến hành cải cách tổ chức bộ máy hành chính, lễ nhạc, y phục, .v.v. Dựa theo cuốn Tam tài đồ hội của Trung Hoa để chế ra loại trang phục riêng cho tầng lớp quan lại quý tộc, nhân dân Đàng Trong, và được tuân theo. Bên cạnh đó, chính quyền Lê – Trịnh vẫn giữ nguyên trang phục theo lối cũ.
Cho đến tận đầu thế kỷ XIX, vào năm 1802, Thế Tổ Cao Hoàng Đế – vua Gia Long thống nhất toàn bộ đất nước đã đặt lại quy chế mũ áo cho cả nước. Tuy nhiên, hầu hết người Bắc Hà vẫn giữ lối ăn vận xưa trừ quý tộc và quan lại, do đó đến tận năm 1835 – 1837, trong một chuyến kinh lý ra Bắc của vua Minh Mạng, vì chứng kiến thói ăn vận của miền Bắc mà vua chê là hủ lậu nên đã ra lệnh triệt để bắt dân chúng ở đây phải mặc áo dài. Bởi vậy, dân gian xứ Bắc vẫn lưu truyền câu nói:
“Tháng Tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.”
Chính là để chỉ lệnh cấm phụ nữ Bắc Hà mặc váy đụp mà phải chuyển sang mặc áo dài năm thân cổ đứng khuy cài, quần hai ống. Khi người Pháp vào Việt Nam, chiếc áo dài năm thân đã được phổ biến rộng rãi trên cả nước.
Cuối thế kỷ XIX, người Pháp xâm lược Việt Nam và dần dần đặt quyền bảo hộ trên cả ba miền, lúc đó trang phục của người Việt – do chịu ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây, từ cách thức dệt vải, cho đến cách may áo, màu sắc, họa tiết lại có sự thay đổi, mà tiêu biểu là sự thay đổi của chiếc áo dài cổ năm thân.
Sang đầu thế kỷ XX, khi văn hóa Pháp đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức văn hóa của người Việt thì cũng là lúc những phong trào cải cách về chiếc áo dài ra đời, tiêu biểu cho sự khởi đầu là việc cách tân áo dài nữ của họa sĩ Cát Tường (áo dài Lemur), ông đã dựa trên chiếc áo dài cổ của người Việt cộng với kỹ thuật may mặc của người phương Tây (May tay raglan, chiết eo, cúp ngực, cúp tà,…) để cho ra đời một chiếc áo dài với diện mạo hoàn toàn mới tương tự mẫu áo chúng ta đang nhìn thấy, sử dụng trong thời hiện đại. Tiếp đến là một loạt những cải cách: áo dài Lê Phổ, áo dài của Madame Nhu – Trần Lệ Xuân,.v.v.
Tới nay, chiếc áo dài nữ đã được cách tân và hoàn thiện, được công chúng trong nước cũng như quốc tế công nhận, tuy nhiên chiếc áo dài nam lại không có được sự may mắn như vậy.
2. Mô tả về cấu tạo của áo dài truyền thống thời xưa
Kỹ thuật may áo phụ thuộc vào kỹ thuật dệt vải. Thời xưa, do nhiều yếu tố về khung dệt, chất liệu,… Mà khổ vải dệt ra chỉ có độ dài từ 35 – 55 cm. Do đó để may được hoàn chỉnh một chiếc áo phủ kín thân, người thợ phải may liền các khổ vải với nhau, mỗi khổ vải như vậy gọi là một thân áo.
Áo dài truyền thống thời xưa được may bởi bốn khổ vải gọi là áo tứ thân, áo được ghép bởi năm khổ vải gọi là áo ngũ thân và còn nhiều các loại áo được ghép từ sáu đến chín khổ vải. Phần tay áo, vai và nách áo được áp dụng kỹ thuật may liền tay, phần nối tay nằm ở ngang bắp tay. Tay áo dài được gọi là tay áo chẽn (hay còn gọi là tay búp) ôm sát vào cổ tay.
Đối với mẫu áo dài cổ đứng khuy cài, theo như mô tả của người xưa thì cũng có những quy định như: cổ hình chữ khẩu (口 – cổ vuông đứng) hay còn gọi là trực lĩnh, đường khuy áo hình chữ quảng (广). Đường khuy áo gồm có năm khuy (một khuy nằm ở cổ; một nằm ở bả vai phải, cách cổ 10cm; ba khuy cuối cùng nằm ở bên hông. Đường tà áo hình chữ bát (八 – tà xòe). Tà áo có độ sa, tà trước dài hơn tà sau khoảng 15cm. Chiều dài của tà áo thường chỉ quá gối, cũng có những thay đổi phù hợp với từng miền nhưng chiều dài này không chạm đến mắt cá chân. Cổ áo nam cao hơn và đứng dáng hơn so với cổ áo của nữ (cổ áo của nam cao khoảng 3 – 4cm, cổ áo của nữ cao khoảng 2 – 3cm).
3. Chất liệu, màu sắc và họa tiết của áo dài truyền thống thời xưa
Chất liệu dùng để may trang phục của cư dân Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng vô cùng đa dạng, trải nghìn năm, nhiều chất liệu đã thất truyền theo đó là sự ra đời, du nhập của các chất liệu mới đến từ các nước trên thế giới. Chất liệu sử dụng cho trang phục chính là lời khẳng định gián tiếp về các giai tầng trong xã hội. Tầng lớp bình dân sử dụng các chất liệu rẻ tiền, thông dụng: vải thô, vải đũi,… Giới sỹ phu, quý tộc, quan lại sử dụng lụa, là, gấm, vóc, lãnh (lĩnh), sa, đoạn,…
Màu sắc của trang phục áo dài truyền thống thời xưa khá phong phú, nếu tầng lớp bình dân thường dùng màu nâu, lam, chàm, tím, đen,… Thì với tầng lớp cao hơn, họ sử dụng các màu sắc đa dạng hơn như: xanh, đỏ, tím, vàng, cam, trắng,… Ngoài ra, có một số màu sắc trên trang phục thuộc về đặc quyền của tầng lớp tinh hoa trong xã hội xưa (Hoàng đế, Chúa, Hoàng hậu, Hoàng thân, quan lại,… ) như vàng và đỏ…
Hoa văn, họa tiết xuất hiện trên trang phục xưa thuộc về các tầng lớp trên trong xã hội, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, các quy định của tầng lớp cai trị. Ngoài màu sắc, các họa tiết trên quần áo cũng nói lên phẩm trật của chủ nhân. Ví dụ: Rồng năm móng chỉ dành riêng cho Hoàng đế; bốn móng dành cho vương; hai móng và ba móng dành cho các phẩm cấp thấp hơn. Các đồ án, họa tiết thông dụng trên y phục xưa như: Tứ linh (long, ly, quy, phụng), Hạc, chữ Thọ, Ngũ phúc (năm con dơi), hoa cúc, hoa hồng, hoa mẫu đơn, vân (mây), chữ Vạn, thủy ba (sóng nước), sơn (núi),… Phong cách nghệ thuật của người Việt khi trang trí trang phục chịu ảnh hưởng bởi phong cách của khu vực nói chung song vẫn có những nét riêng biệt.
Tổng kết:
Chiếc áo dài năm thân cổ đứng khuy cài xuất hiện vào thế kỷ XVIII bởi nhu cầu trước hết là chính trị của chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong (với công của Nguyễn Phúc Khoát), rồi sau đó mới đi đến nhu cầu khu biệt văn hóa với tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài. Trải qua mấy trăm năm, chiếc áo dài năm thân của nữ đã có nhiều biến đổi với nhiều hình thức, sắc màu tuy nhiên chiếc áo dài của nam giới lại không nhận được sự quan tâm đúng mức của người sử dụng và công chúng.
Qua quá trình nghiên cứu, Ỷ Vân Hiên nhận thấy cần phải khôi phục lại hình ảnh của chiếc áo dài năm thân cổ đứng khuy cài đối với cộng đồng để thực hiện hướng đi của mình.
Xem thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét