Khăn lượt - Vật dụng gắn liền với áo dài năm thân cổ đứng

Khăn lượt, hay còn được gọi là khăn vấn, khăn xếp – vật dụng không thể thiếu khi mặc áo dài nam năm thân cổ đứng. Mỗi khăn có độ dài trung bình từ 6 – 7m, có thể nhờ người vấn hộ hoặc tự vấn và tùy theo cách vấn mà khăn khi vấn xong sẽ có hình dạng khác nhau (vấn khăn chữ nhân “人”, hoặc vấn khăn chữ nhất “一” ).

Khăn vấn là một tấm vải hình chữ nhật dài và khá dày, được quấn nhiều vòng quanh đầu và không phân biệt giới tính cũng như tuổi tác người dùng. Cứ theo các sắc lệnh của triều Nguyễn được chép trong Đại Nam thực lục, ban sơ người An Nam vẫn trung thành với lối vấn khăn kiểu Champa - mà hoàn toàn có thể truy đến tập quán của mọi cộng đồng Hồi giáo, nhưng dần dà được cách tân cho phù hợp với mỗi thời và mỗi đẳng cấp xã hội. Thậm chí, từ thế kỷ XX còn xuất hiện thêm các kiểu giả khăn vấn bằng gỗ, nhựa, kim loại... tuy nhiên thói quen này thường bị báo giới chê là kệch cỡm.


Hình ảnh khăn lượt tại Ỷ Vân Hiên

Có rất nhiều dạng khăn vấn, nhưng căn bản được phân theo 3 kiểu:

Khăn vấn thường: Chỉ dành cho đàn ông, có tính cách tiện dụng. Dùng tấm vải mỏng dày tùy ý để cố định búi tóc và quấn 1-2 vòng quanh đầu cho thật gọn, ngoại trừ màu vàng (thuộc đặc quyền của hoàng đế), mọi màu khác được phép.

Rí (hoặc đôi khi khăn lươn): Chỉ dành cho đàn bà, cũng có tính cách tiện dụng. Một mảnh vải không quá dài, có độn tóc bên trong, được quấn một vòng quanh đầu để giữ cho tóc được gọn. Các thiếu nữ khi đi hội còn ưa để tóc đuôi gà cho tăng phần duyên dáng. Ngoại trừ màu vàng (cho người hoàng phái) và hồng (cho con hát và gái đĩ), các màu khác đều phổ biến.

Mũ mấn[3] (hoặc khăn vành dây): Có tính cách trang trọng và thuận với các dịp lễ tiết. Tấm vải rất dài và dày được quấn nhiều vòng quanh đầu như hình phễu; chỉ gồm các màu vàng (cho hoàng đế và hoàng hậu), đen, nâu, tím, đỏ (cho người già vào dịp chúc phúc, mừng thọ), thiên thanh (cho cô dâu, chú rể), trắng (cho đồng cốt hoặc người có tang trở).


Ngoài ra, theo luật triều Nguyễn, khăn vấn quá ngắn và mỏng bị cấm, nhưng quá dài và dày cũng bị chê là xấu. Vì thế, việc vấn khăn sao cho gọn và đẹp được coi là xu hướng chung để đánh giá phẩm chất mỗi người.

Xem thêm: Khăn lươn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Áo Nhật Bình của Công Chúa và Hậu Phi trong cung

Trang phục công chúa triều Nguyễn

Phục dựng guốc mộc - Nét đẹp trong hành trang văn hóa dân tộc